Tự do cho kiểm toán

Nghịch lý: Tâm lý sợ mua hàng còn khiến bạn dễ mua phải những thứ không tốt cho bạn hơn

Nhiều bạn đang thấy mình sẵn sàng chia sẻ quá nhiều thứ giá trị như vậy, lại sợ mình đang dụ dỗ bạn mua hàng, nên chẳng cả dám xem chúng, hoặc xem trong trạng thái dè chừng.

Hãy đọc qua bài viết về mục đích của mình ở Tại sao mình sẵn sàng trả lời bất kỳ điều gì cho cả những người không phải học viên của mình?, và bài viết Mẹo để trở thành người mua hàng thông minh trong thời đại điên đảo này.

Còn ở đây, mình sẽ nói về tác hại của tâm lý này.

Bạn đang cho rằng từ chối mọi quảng cáo sẽ giúp cho bạn tránh được việc mua phải thứ không tốt, kể cả phải từ bỏ cơ hội tiếp cận với thứ tốt. “Thà giết nhầm còn hơn bỏ sót?”

Nhưng bạn chỉ có thể duy trì tâm lý đó ở trạng thái bình thường thôi. Các sản phẩm không tốt vẫn có thể len lỏi đến tay của bạn, bằng những chiêu trò tinh vi nhất, mà chẳng có ai ở thời điểm đó có thể tránh khỏi.

Mình ví dụ cụ thể. Sinh viên có thể thoải mái ăn chơi trong những năm đầu. Vô lo vô nghĩ. Nhưng đến thời điểm năm cuối, tất cả mọi người đều cảm thấy lo lắng hơn về cuộc sống và nghề nghiệp tương lai của mình. Đến lúc này, chúng ta mới sốt sắng tìm đến các khóa học, với hi vọng ra trường có được việc làm.

Đó là tâm lý chung của mọi người. Nắm bắt được nhược điểm đó, các khóa học xấu, hay nói nhẹ hơn là không có giá trị lắm, chỉ cần đưa ra 1 vài lời mời hấp dẫn như “có thể vào được Big 4”, “được giảng viên từ Big 4 dạy”,… là chúng ta lại dễ dàng nghe theo, mà chẳng biết được chi tiết họ dạy những gì, có thực sự giá trị không. Ta đã quên mất tâm lý phòng bị mà bao năm qua ta vẫn giữ.

1 hành vi thao túng tâm lý đáng sợ hơn nữa, được xảy ra từ khi bạn chọn ngành nghề ở trường đại học. Đó là các công ty kiểm toán đang gieo vào đầu ta những viễn cảnh tươi sáng. Có rất nhiều người tiền nhiệm khuyên bạn nên đọc review về các công ty kiểm toán, về cuộc sống kiểm toán, để tránh những mơ mộng đó. Nhưng, đó chỉ là góc nhìn phiến diện. Hãy đọc bài viết của mình ở Trang chủ. Đại ý là: công việc này không thực sự tốt như bạn đang nghĩ. Nhưng nó thực sự là 1 mỏ vàng, mà không phải ai cũng đủ kiên trì và sáng suốt để đào nó. Kể cả các công ty kiểm toán. Kể cả Big 4. Kể cả trên thế giới.

Vậy giải pháp là gì?

Bạn cần hiểu sâu về tâm lý, về kinh doanh, và có đủ bản lĩnh, nội lực, thì sẽ tự tránh được những lời kêu gọi mua hàng xấu, và đến được với những sản phẩm tốt. Mình sẽ giúp bạn phần nào làm sáng tỏ những điều này.

1, Xóa bỏ định kiến xấu về bán hàng. Hãy thử ngẫm về điều này: Kể cả khóa học của mình miễn phí 100%, thì bạn có học không? Hay bạn sẽ lại dè chừng thôi?

Mình đã từng đăng bài viết chia sẻ video dạy miễn phí với tổng thời lượng 2h30’, cùng với các bài luận về thực trạng kiểm toán, về định hướng nghề nghiệp, về giao dịch an toàn, với tổng độ dài 15 trang. Chẳng ai quan tâm cả.

Mình đã từng nhiệt tình chỉ dạy cho các em đồng nghiệp cấp dưới ở công ty cũ (khi mình chưa có ý tưởng bán khóa học này). Mình bảo hãy cứ thoải mái hỏi mình bất kỳ điều gì về thủ tục kiểm toán. Dù cho các em ý cảm thấy công việc kiểm toán rất khó, và không có ai khác chỉ dạy, nhưng cũng chẳng có mấy ai dám hỏi. Thậm chí, có 1 em gái gọi điện hỏi mình, mình dành cả 1 giờ để trả lời. Nhưng, các bạn khác lại nghĩ mình đang tán tỉnh em ý, làm cho bạn đó ngại giao tiếp với mình. Kể cả mình kiên trì, tiếp tục chia sẻ trong 5 năm làm việc, cho từng thế hệ này đến thế hệ khác, thì người khác vẫn nghĩ là mình đang “quăng lưới”!

Gần đây nhất, với tất cả các bạn nhắn tin cho mình, mình đều bảo hãy thoải mái hỏi bất cứ điều gì về kế toán, kiểm toán, thuế, luật, thẩm định giá, thì cũng chẳng có mấy ai dám hỏi.

Bạn đang có tâm lý sợ điều tốt miễn phí. Vì bạn không hiểu lợi ích của việc cho đi mà không đòi hỏi nhận lại gì. Từ đó, bạn cũng sẽ không sẵn sàng làm việc tốt cho người khác, nếu không đổi lại được cái gì có giá trị hiện vật.

2, Hãy hiểu sâu về kinh tế: mình được lợi từ tiền học phí của bạn, không có nghĩa là bạn sẽ bị thiệt.

Đây là 1 quan điểm ăn sâu vào trong tiềm thức người nghèo, rằng người khác kiếm tiền là dựa trên sự cướp bóc, bóc lột người nghèo. Tổng của cải vật chất của thế giới là hữu hạn, nên ai đó giàu lên có nghĩa là có người nào đó nghèo đi.

Quan điểm này sẽ chỉ khiến bạn không tập trung rèn luyện kỹ năng bản thân, mà chỉ chăm chăm đến các chiêu trò lừa lọc người khác. Vì vậy mà người nông dân sẵn sàng đầu độc đồng bào với các thuốc hóa học quá liều lượng; doanh nghiệp bất chấp ảnh hưởng xấu đến môi trường; quan chức sẵn sàng tham nhũng, sách nhiễu dân chúng… Và chúng ta phải sống chung trong 1 xã hội đầy rẫy điều xấu. Nhưng ai cũng nghĩ lỗi là do người khác.

Hãy hiểu thật đúng về kinh tế. Đó là việc tạo ra giá trị phục vụ cho người khác. Giá trị này là vô hạn, nên chỉ có tất cả mọi người đều được hưởng lợi, chứ không có chuyện người này lợi, người khác thiệt. Nếu tất cả mọi người đều làm như vậy, thì xã hội này sẽ tốt đẹp hơn biết bao. Đó chính là mục tiêu tối thượng của mình.

Còn với bạn, hãy tập trung vào giá trị mà mình mang lại. Nếu nó không tốt, hãy kiên quyết từ chối nó. Không có gì phải sợ việc nhận những món quà miễn phí từ người khác, rồi có tâm lý phải trả lại cho họ gì đó, dẫn đến dễ mua hàng không tốt từ họ. Hãy rèn luyện điều này ngay bây giờ. Nếu không, cuộc sống sau này của bạn sẽ bị lừa thảm đấy!

Và, hãy sống có trách nhiệm hơn với bản thân bạn. Hãy chịu khó học hỏi để có năng lực làm việc sau này. Nếu bạn vẫn giữ thái độ hời hợt với việc học, thì khi bước chân khỏi trường đại học, bạn sẽ không chịu nổi đâu.

error: Content is protected !!