Tự do cho kiểm toán

Định hướng nghề kế toán - Thang điểm đánh giá kế toán viên

0/10: Sinh viên mới ra trường: chưa thạo hạch toán tài khoản, mơ hồ nguyên lý kế toán, cũng chẳng biết phần mềm kế toán, càng xa lạ với hóa đơn chứng từ.

1/10: Đã làm kế toán được 1-2 năm, đã chắc về tài khoản và phần mềm kế toán hơn, nhưng mới chỉ được làm 1 vài phần hành, và cũng chỉ mới làm trong 1 vài ngành nghề, mà chưa biết tự suy ra cho các phần hành, và các ngành nghề khác.

2/10: Đã làm kế toán được 3-5 năm, đã biết hạch toán hết các phần hành. Cấp độ này thường làm phần tính giá thành, kế toán tổng hợp, kê khai hóa đơn, lập báo cáo tài chính. Nhưng thường chỉ biết làm thôi, chứ chưa biết đúng sai. Và thường chỉ quan tâm đến sổ sách có bị cơ quan thuế phạt không. Thậm chí, vì sợ thuế phạt sẽ dẫn đến bị trừ tiền lương, nên thà để công ty chịu thiệt nộp nhiều thuế từ ban đầu còn hơn, để thuế không còn lỗi gì (hoặc ít lỗi) mà phạt.

3/10: Tính giá thành và lập báo cáo tài chính đúng, để phản ánh lợi nhuận của công ty chính xác. Kế toán thường không quan trọng phần này lắm. Mà giám đốc cũng chẳng biết kế toán làm đúng không. Nhưng theo mình, với góc độ của 1 người kinh doanh, mình cần biết chính xác lãi lỗ là bao nhiêu, thì mới đưa ra quyết định kinh doanh cho đúng được. Giám đốc chỉ có thể mường tượng ra con số lãi lỗ qua dòng tiền của doanh nghiệp thôi.

4/10: Biết về luật lao động và bảo hiểm, có thể làm việc với cơ quan bảo hiểm.

5/10: Biết về các loại thuế, có thể làm việc với cơ quan thuế. Kế toán thường chú trọng đến việc này. Nhưng thường theo trường phái “black”, nghĩa là gian lận thuế. Đơn giản nhất là mua hóa đơn làm giả chi phí. Bên thuế có nhiều thủ tục để phát hiện ra việc này. Nhưng, thuế chỉ có thể kiểm tra chọn mẫu 1 số doanh nghiệp trên địa bàn theo mức độ phân loại rủi ro, và thường vài năm mới kiểm tra 1 lần. Nên nếu có phát hiện gian lận về thuế, thì kế toán cũ đã chuyển sang nơi khác làm từ lâu rồi. Công ty, hoặc có thể là kế toán mới, sẽ là người chịu trận.

6/10: Như 5/10, nhưng theo trường phái “white”, nghĩa là lẩn tránh thuế và tận dụng ưu đãi thuế, hoặc hơi “xám” 1 chút. Phần này khó hơn, thường phải có kinh nghiệm trong công ty tư vấn thuế mới làm được. Nhưng không phải công ty nào cũng áp dụng được việc này, mà thường dành cho các công ty, tập đoàn lớn. Còn với các công ty bình thường, bạn vẫn có thể đạt mức này nếu đã thông thạo các thông tư về thuế, và có óc tư duy tài chính 1 chút, là có thể xử lý được vấn đề tài chính về thuế.

7/10: Như 3/10, nhưng giám đốc cần bạn tổ chức công tác kế toán để đánh giá lãi lỗ của từng mặt hàng, từng dự án, trong thời gian nhanh nhất (hàng tháng, hàng tuần). Lãi lỗ này không đơn giản là doanh thu trừ giá vốn, mà phải tính hết tất cả chi phí liên quan, như chi phí vận chuyển, chi phí bán hàng…

8/10: Giám đốc cần bạn tổ chức công tác kế toán để phối hợp với các bộ phận liên quan, làm cho doanh nghiệp vận hành trôi chảy. Đồng thời, tạo cơ cơ chế giám sát hoạt động của các bộ phận đó, xem có làm lãng phí các nguồn lực, hay thậm chí gian lận của công ty không.

9/10: Như 8/10, nhưng với quy mô tập đoàn lớn, có nhiều chi nhánh, công ty con.

10/10: Bạn cần có tư duy của 1 người kinh doanh, thoát khỏi tầm nhìn hạn hẹp của 1 kế toán, thì mới có thể làm tốt tất cả các nhiệm vụ trên, giúp ích cho giám đốc. Hãy đọc thử bài viết chuyên môn Xử lý khi công ty không thực sự góp vốn theo điều lệ để thấy tư duy này. Và, nếu đã nghe theo mình đạt đến trình độ này, bạn thường sẽ không làm nhân viên kế toán nữa 🙂

Hi vọng là thang điểm này của mình có thể giúp ích cho các bạn xác định được lộ trình học tập cho đúng đắn.

error: Content is protected !!