Tự do cho kiểm toán

Kiểm toán chọn mẫu kiểm tra như thế nào?

Vấn đề:

Nhiều công ty kiểm toán chỉ biết cho vào phần mềm quay số cho nhanh, chứ không dựa trên xét đoán chuyên môn. (Cái này tùy công ty). Nhiều công ty khác sẽ chọn mẫu theo giá trị từ cao xuống thấp, để đảm bảo tính trọng yếu thôi. Nhưng, nếu không biết kiểm tra cụ thể thông tin gì trên hồ sơ để phát hiện sai phạm, thì chọn mẫu nào cũng như nhau thôi!

Thậm chí, có nhiều quan điểm cho rằng kiểm tra 100% thì cũng không tránh khỏi việc bỏ sót sai phạm, do hạn chế cố hữu của kiểm toán. Điều này đúng theo chuẩn mực. Nhưng đó chỉ là lời biện minh của người lập chuẩn mực cho việc hạn chế trong năng lực của bản thân thôi. Điều thú vị là: đấy chính là thái độ biện minh mà chuẩn mực quy định kiểm toán viên không được vi phạm. Vậy là tự chuẩn mực đã mâu thuẫn với nhau rồi.

Giải pháp:

Hãy xem lại bài viết trước, Kiểm toán kiểm tra thông tin gì trên hồ sơ, tài liệu để phát hiện gian lận. Có rất nhiều nội dung liên quan đến câu hỏi này. Mình tóm tắt lại như sau: bạn cần có kinh nghiệm thực tế trong việc phát hiện gian lận, rồi tổng hợp các rủi ro lại, và suy ngẫm để tối ưu các thủ tục phát hiện vấn đề đó. Nếu các rủi ro thực tế bạn phát hiện đủ nhiều, đủ đa dạng, thì bạn có thể khái quát hóa các đặc điểm chung của chúng. Từ đó rà soát sổ sách chứng từ và tình trạng thực tế của doanh nghiệp xem có những đặc điểm đó không, thì bạn sẽ chọn được mẫu đúng. Chỉ là các công ty kiểm toán và người tiền nhiệm có nhiều lý do (cả hợp lý và tiêu cực) để không tổng kết lại các sai phạm họ đã phát hiện và cách phát hiện ra chúng. Mà bạn phải tự chủ động tìm kiếm, tích lũy trong quá trình làm kiểm toán.

Còn ở đây, mình muốn nói thêm về việc đã xác định được sai phạm trên mẫu kiểm tra rồi, thì làm sao để ước tính ra giá trị sai phạm trong tổng thể là bao nhiêu? Hãy suy nghĩ về câu hỏi này nhiều hơn.

Có 2 phương pháp chủ đạo là chọn mẫu theo thống kê (cho vào phần mềm quay số) và chọn mẫu theo xét đoán chuyên môn. Phương pháp thống kê được nhiều hãng kiểm toán lớn, có yếu tố nước ngoài sử dụng. Vì nó tiết kiệm thời gian hơn, tránh được sai sót chọn mẫu do hạn chế năng lực của người làm kiểm toán (nhờ vậy mà mang tính khách quan hơn!), và bản thân người viết chuẩn mực cũng theo xu hướng này. Nhưng, nó lại gây ra 1 rủi ro chọn mẫu thống kê có thể chưa phát hiện được hết sai phạm trọng yếu. Mà chẳng ai có thể đo lường được. Và liệu rủi ro này có chắc nhỏ hơn rủi ro kiểm toán viên thiếu năng lực khi xét đoán chuyên môn trong chọn mẫu không?

Các doanh nghiệp kiểm toán áp dụng phương pháp này do được truyền dạy tri thức kiểm toán từ các hãng nước ngoài từ thời Việt Nam mở cửa hội nhập, và liên tục được cập nhật các kỹ thuật mới nhất cho đến ngày nay. Nhưng, tất cả đều không giải thích được tại sao chọn mẫu thống kê như vậy lại có thể đảm bảo suy ra cho cả tổng thể có hay không có sai phạm trọng yếu. Tri thức kiểm toán quan trọng nhất là các thủ tục kiểm toán, các công việc kiểm toán cụ thể. Điều này đã được truyền dạy tương đối tốt và đầy đủ vào Việt Nam. Thì liệu họ có đi giấu không dạy phần lý thuyết chứng minh phương pháp luận của chọn mẫu thống kê không? Thống kê học không phải là môn khó hơn kiểm toán. Và không thể nói Việt Nam kém về thống kê học để có thể hiểu lý thuyết này.

Nhà bác học Albert Einstein từng nói: “Nếu bạn không thể giải thích cho đứa trẻ sáu tuổi hiểu được thì chính bạn cũng không hiểu gì cả!”

Do không có căn cứ phương pháp luận của bên chọn mẫu kiểm toán theo thống kê, nên mình không thể phản biện trên phương pháp luận được. Bạn nào có ý kiến trái chiều với mình thì có thể đưa ra phương pháp luận đó để mình phân tích.

Còn ở đây, mình sẽ chứng minh trên những điều ai cũng có thể thấy, đó là cách tính số mẫu kiểm tra. Mình đã nói điều này ở trong video Chọn mẫu trong khóa Thực hành kiểm toán. Chỉ cần thay đổi 1 chút về cách hạch toán kế toán, thì có thể điều chỉnh giá trị kiểm tra của mẫu trong tổng thể xuống còn 0,1%, 0,01%, hay bao nhiêu cũng được. Nhưng các bạn không cần học theo mình, mà chỉ cần 1 chút tư duy về toán học thôi cũng có thể tự nhận ra. Nếu như kế toán không hạch toán theo từng hóa đơn bán hàng, mà cả tháng mới tổng hợp lại và hạch toán 1 lần, thì từ cả nghìn nghiệp vụ sẽ chỉ còn 12 nghiệp vụ. Nếu như ban đầu bạn tính ra phải kiểm tra 10 mẫu, thì bây giờ, số mẫu bạn phải kiểm tra ít nhất vẫn phải bằng 10, còn thường thì nhiều hơn. Vậy là tổng doanh thu không đổi, chỉ cần thay đổi 1 chút về cách hạch toán kế toán là khối lượng công việc và giá trị bạn phải kiểm tra đã tăng lên chóng mặt.

Điều này là bình thường thôi. Vì bản thân người viết chuẩn mực đã có thiên hướng nghiêng về phương pháp chọn mẫu thống kê hơn, nên doanh nghiệp kiểm toán chọn theo đó là “chấp nhận được” theo chuẩn mực. Nhưng, người viết chuẩn mực không thể bỏ hết ý kiến của người theo phương pháp chọn mẫu theo xét đoán chuyên môn. Như vậy sẽ là không khách quan. Nên, người viết chuẩn mực đã để ý kiến của phe bên kia ẩn trong các đoạn của chuẩn mực, với nội dung rất sơ sài, mà phải có kiến thức thực tiễn thật chắc mới có thể áp dụng được.

Mình đã phân tích chuẩn mực đó trong video Chọn mẫu kiểm toán + Đánh giá sai sót (Free) trong khóa Lý thuyết kiểm toán. Đó là ta phải phân nhóm. Nếu như năng lực của người làm kiểm toán có thể phát hiện ra đủ nhiều gian lận và sai sót như mình đã nói ở bài chia sẻ Kiểm toán kiểm tra thông tin gì trên hồ sơ, tài liệu để phát hiện gian lận, thì ta sẽ có thể phân tổng thể thành các nhóm phù hợp với những đặc điểm giống nhau, từ đó kết quả kiểm toán suy ra từ mẫu cho tổng thể sẽ chính xác hơn.

Đó nên là việc mà các kiểm toán viên hướng tới. Chứ đừng nên làm kiểm toán mà không hiểu công việc mình làm có tác dụng gì, không chứng minh được kết quả kiểm toán có đúng không, và càng không nên biện minh cho việc kiểm toán không phát hiện ra được hết các sai phạm trọng yếu ngoài lý do yếu kém về năng lực. 

Ngoài ra, trong khóa Excel trong kiểm toán (Cao thủ), mình có dạy cách vận dụng excel để liệt kê toàn bộ (hoặc phần lớn) các trường hợp có cùng sai phạm mà ta đã phát hiện, áp dụng trong 1 số trường hợp cụ thể. Không phải nội dung nào cũng miễn phí. Nhưng có rất nhiều video miễn phí hữu ích mà bạn có thể xem.

error: Content is protected !!