Môi trường làm việc, lương thưởng và tỷ lệ giữ lại của công ty kiểm toán
Câu hỏi:
Anh cho em hỏi về môi trường làm việc, lương, phụ cấp, và tỷ lệ giữ lại của công ty kiểm toán xxx?
Trả lời:
– Về môi trường làm việc, em nên lên mạng đọc review nhé. Anh nói sơ qua là công ty nào 3* trở lên là tạm được. Hoặc chọn công ty không có review. Vì thường bức xúc lắm người ta mới lên mạng bình luận, nên không có review thì có thể là ok. Hoặc là công ty đó có quá ít người, họ có vấn đề nhưng không phải ai cũng nói trên mạng. Nên không có review là hên xui. Còn công ty nào 1-2* thì em biết rồi đấy. Nhưng, hãy nhớ là người đánh giá 1-2* chưa chắc đã đúng. Em cần tự đọc vấn đề họ nêu xem nó là mâu thuẫn cá nhân hay văn hóa công ty.
– Về lương, phụ cấp, chỉ có Big là khác biệt hẳn, hơn tầm 2-3 triệu so với non-big. Nhưng nhìn chung, nếu so với thời gian, công sức bỏ ra thì không phải là nhiều. Nhân viên năm 1 của Big là 7-8 triệu, non-big là 3-5 triệu. Thực tập là 50-70%, và thường tính lương theo số ngày đi job thực tế. Nếu em có khó khăn về kinh tế, cần ngay 1 công việc có thu nhập ổn định khi mới ra trường để trang trải cuộc sống thì nên chọn nghề khác. Còn làm kiểm toán thì nên xác định là để lấy kiến thức. Những gì em học ở trường chưa đủ để làm việc thực tế được đâu.
Tóm lại, làm kiểm toán đừng quá chú trọng đến lương, kể cả môi trường làm việc cũng vậy. Chỉ quan tâm đến 2 vấn đề này khi lựa chọn công ty để gắn bó lâu dài thôi. Còn với nghề kiểm toán, em có thấy là tỷ lệ người rời ngành nhiều như vậy không? Vì vậy nên hàng năm mới có nhiều cơ hội thực tập và tuyển dụng nhân viên mới nhiều như vậy cho bọn em. Nhìn chung, người ta thường làm kiểm toán 3-5 năm để cứng cáp, rồi nhảy việc, kiếm chỗ tốt hơn. Theo anh thì là làm gì thì làm, quan trọng nhất vẫn là rèn luyện thực lực, có bản lĩnh rồi thì kiếm chỗ tốt không khó. Chỉ là có nhiều chuyện sau 3-5 năm mà không nhiều người kể. Không phải ai sau khi nghĩ kiểm toán cũng trụ lại được ở công việc mới đâu. Hãy đọc bài viết 4 vấn đề khó mà đa số kiểm toán viên không làm được, cùng với lời giải và các bài viết khác của anh nhé.
Lưu ý thêm về lương: nếu được thì vào Big để lấy lương cao. Sau này chuyển sang nơi khác thì họ dựa vào lương cũ để đàm phán lương mà. Nhưng cũng chỉ tăng tầm 30% thôi, không phải x2, x3 đâu nhé. Sau thời gian thử việc mới, em thể hiện được năng lực của mình, tạo ra giá trị cho công ty, thì lương mới tăng tương ứng được.
– Về tỷ lệ giữ lại của thực tập sinh kiểm toán thành nhân viên chính thức, em cũng đừng quan tâm làm gì. Quan trọng vẫn là bản lĩnh của em. Nếu em làm tốt thì sẽ được giữ lại thôi. Vì có 1 khoảng cách rất lớn giữa kiến thức sách vở với thực tiễn, nên không chăm chỉ tự học thì không dễ để làm tốt khi mới ra trường đâu. Đặc biệt là với các bạn rèn luyện giao tiếp, tiếng Anh nhiều hơn kiến thức chuyên môn để thi vào Big.
Còn nếu em làm không tốt, và đa số các bạn khác cũng vậy, thì công ty kiểm toán vẫn sẽ ưu tiên nhận thực tập sinh vào làm nhân viên chính thức. Vì đến đợt tuyển fresh, nhiều bạn làm tốt đã được công ty chọn là nhân viên chính thức, nhưng có thể thi đỗ vào Big, hoặc các công ty lớn hơn, Công ty sẽ ưu tiên chọn các bạn còn lại. Chứ tuyển dụng đợt fresh mang tính hên xui với nhà tuyển dụng lắm. Chỉ có thực tập sinh đã làm trong công ty họ rồi, dù chưa làm tốt nhưng cũng quen 1 chút với công việc, với yêu cầu riêng của từng công ty, thì họ mới an tâm và không mất quá nhiều thời gian đào tạo tiếp theo.
Với các bạn không thể hiện tốt lắm này, thì công ty sẽ ưu tiên chọn nam hơn là nữ. Vì nam chịu được nhiều áp lực công việc của kiểm toán hơn. Còn nữ theo thống kê là nghỉ việc nhiều hơn. Nên nếu bạn nào là nữ, thì phải cố gắng gấp đôi đấy.
Chỉ là nếu em đã không làm tốt ngay từ khi thực tập, thì sau này sẽ khó phát triển lắm. Vì nó thể hiện sự chăm chỉ tự rèn luyện bản thân của em là chưa cao. Đặc biệt là trong nghề kiểm toán này, nếu không có đam mê với việc học thì sẽ thấy không thở nổi với khối lượng chuẩn mực, thông tư của ngành cũng như tài liệu riêng của từng khách hàng đâu. Do vậy mà số lượng người chuyển việc ngay khi làm kiểm toán chưa được 1 năm là rất lớn.
Cho nên, hãy ưu tiên rèn luyện kiến thức chuyên môn trước nhé. Đa số các bạn mới ra trường đều xa lạ với hóa đơn chứng từ, thậm chí chưa cả thạo tài khoản kế toán, chứ đừng nói đến phát hiện vấn đề, gian lận. Đó là với các bạn học đúng chuyên ngành! Với các bạn trái ngành thì còn tệ hơn. Có giỏi giao tiếp đến mấy mà không có kiến thức chuyên môn thì cũng sẽ run khi nói chuyện với khách hàng thôi.
Khách hàng thường là người đã có nhiều năm kinh nghiệm. Nhìn thấy người kiểm toán được thuê về đều rất trẻ (dù có khai man lên 2-3 tuổi), họ sẽ đánh giá năng lực của bạn, bằng 1 vài câu hỏi vu vơ cả dễ lẫn khó về chuyên môn, không trả lời được những câu dễ thì chẳng có kỹ năng giao tiếp nào cứu được bạn trong tình huống đó đâu. Hãy thử tự đặt mình vào vị trí của khách hàng, khi bỏ tiền ra thuê người khác làm 1 dịch vụ nào đó, mà người làm lại không có chuyên môn cao, thì bạn sẽ thấy “giỏi giao tiếp” mà thiếu chuyên môn là điều xấu cho xã hội.
Cho nên, đừng bị hùa theo việc tuyển dụng chú trọng giao tiếp hơn kiến thức của 1 số công ty kiểm toán nhé. Những người như vậy vẫn có thể phát triển tốt trong ngành, thậm chí hơn người nặng về chuyên môn ban đầu, nhưng họ phải cố gắng gấp bội người khác để học kiến thức khổng lồ của kiểm toán. Hãy thử tự xem bản thân mình có tinh thần hiếu học và đam mê chuyên môn kiểm toán cao như vậy không nhé. Đừng đi theo tâm lý đám đông. Hàng năm, có rất nhiều bạn giói giao tiếp, yếu chuyên môn thi vào kiểm toán nghỉ việc ngay trong năm đầu vì làm thực tế rồi mới nhận ra mình không thích đọc chuẩn mực, thông tư 1 chút nào.