Mình thấy trường lớp và các nơi đào tạo khác đều dạy theo hướng làm slide tóm tắt các vấn đề chính, dẫn đến bị bỏ sót rất nhiều vấn đề trong chuẩn mực. Mình ví dụ: Big 4 từng đến công ty mình đào tạo về sự khác biệt giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam và trên thế giới. Họ nói là với các khoản doanh thu không được thu tiền ngay, mà thời gian này kéo dài, có ảnh hưởng trọng yếu, thì không được ghi nhận toàn bộ giá trị vào doanh thu, mà phải chiết khấu về giá trị hiện tại để ghi nhận. Đó là quy định của thế giới, còn Việt Nam thì họ bảo là không như vậy. Đa số các kiểm toán viên khác ở Việt Nam cũng đồng ý với quan điểm này. Mình phải trích dẫn ra câu chữ trong chuẩn mực kế toán Việt Nam số 14 “Doanh thu và thu nhập khác” để cho họ thấy Việt Nam cũng có quy định như vậy. Khi đó, mọi người mới ngạc nhiên rằng từ trước đến nay, họ vẫn ghi nhận doanh thu trả chậm là toàn bộ giá trị, mà không hề biết phải chiết khấu về hiện tại.
Đó là sự nguy hiểm của việc học hời hợt, chi muốn học cho nhanh theo slide của người khác, mà không chịu nghiên cứu kỹ câu chữ trong chuẩn mực. Thế cho nên, mình mới bảo các bạn là hãy vứt hết đống slide, sách vở của người khác đi, mà hãy đọc từng chữ trên chuẩn mực, thông tư. Như vậy mới giúp ích cho sự nghiệp của bạn.
Chỉ có điều, dù cho ngôn ngữ của chuẩn mực kế toán không quá khó hiểu như chuẩn mực kiểm toán, nhưng, nó thiên về tính xét đoán hợp lý, chứ không phải là quy định cho từng trường hợp cụ thể. Dẫn đến, mỗi người đọc có thể có cách hiểu khác nhau, tùy vào năng lực nhận thức và trình độ chuyên môn của họ, chứ không phải lỗi của chuẩn mực. Các quan điểm ủng hộ creative accounting mình nói ở trên là ví dụ điển hình. Ví dụ đơn giản nhất là chọn thời gian khấu hao tài sản cố định dài ra, thì sẽ giảm được chi phí. Họ cho rằng làm như vậy là “đúng luật”, vì thời gian sử dụng hữu ích chỉ là 1 ước tính, khó mà nói ai ước tính đúng hơn ai về thời gian này. Đó là do họ chưa thực sự kinh doanh, chưa bỏ tiền ra đầu tư, mua tài sản, nên mới không đánh giá được thời gian sử dụng hữu ích của nó thôi. Đặc biệt là các kiểm toán viên, chỉ biết về lý thuyết mà ít có trải nghiệm thực tế, nhất là về kinh doanh. Hãy xem thử video miễn phí Kiểm toán TSCĐ trong khóa Thực hành kiểm toán, để thấy việc này.
Để giải quyết được vấn đề này, bạn phải luôn tâm niệm rằng: đã là gian lận thì mãi mãi là gian lận, không thể có cách nào lách luật được. Từ lòng nhiệt thành phản đối gian lận đó, bạn chỉ cần mất chút thời gian tìm kiếm câu chữ trong chuẩn mực, để chứng minh sai phạm đó là không đúng theo quy định.
Chỉ là, cần có kinh nghiệm thực tiễn, không chỉ trong kế toán, kiểm toán, và còn trong thực tế kinh doanh, thì mới hiểu được đúng ý nghĩa của chuẩn mực, và chỉ ra được các sai phạm trong việc cố ý vận dụng nguyên lý kế toán không chính xác. Do đó, mình đã làm các video lỗi thường gặp sau các bài giảng về chuẩn mực, để tổng kết các lỗi, từ cơ bản đến nâng cao, mà các công ty hay sử dụng để gian lận làm đẹp, làm xấu báo cáo tài chính. Những gian lận, sai sót về nguyên lý kế toán chủ yếu ở các chuẩn mực thông dụng. Nên, mình chỉ làm riêng video liệt kê lỗi với các chuẩn mực đó. Còn các chuẩn mực còn lại cũng có lỗi, nhưng ít, mình đã nói trong video bài giảng rồi.
Các video thực tiễn này sẽ giúp cho các bạn học cảm thấy đỡ khô khan với phần lý thuyết. Và, phần này bổ sung thêm các kiến thức mà khóa Thực hành kiểm toán mình chưa nói. Vì kiểm toán cần đi sâu vào các gian lận, đặc biệt là vấn đề kinh doanh. Còn việc sai phạm về kế toán thì dễ hơn, chỉ cần hiểu chắc nội dung chuẩn mực là xác định được. Nên bạn nào đã học khóa Thực hành kiểm toán rồi thì đừng chủ quan với nội dung chuẩn mực kế toán này nhé.
Lưu ý nữa là, video lỗi thường gặp và video bài giảng có tác dụng khác nhau. Mình chỉ tổng kết lại những lỗi lớn trong video riêng thôi, đễ các bạn học dễ hơn, không bị nhàm chán. Còn bất kỳ vi phạm nào với chuẩn mực đều là sai. Nên cần phải học thật kỹ nội dung từng chuẩn mực. Bài giảng được mình tô đậm các từ khóa, lược bớt những phần thừa, có phân tích làm rõ ý, nêu ví dụ thực tế, rồi tổng kết là các nội dung quan trọng cần nhớ cuối mỗi bài.
Và mình không chỉ nói mỗi về chuẩn mực, mà có 1 số nội dung cần làm rõ ý hơn trong thông tư 200 về chế độ kế toán doanh nghiệp, hay các thông tư hướng dẫn khác, thì mình cũng có phân tích nội dung liên quan của thông tư. Ngoài ra, mình cũng có trình bày cách làm trong thực tế, đó là phần cách nhặt báo cáo lưu chuyển tiền tệ, ít nhất cũng phải cân số. Việc này rất dễ đối với kiểm toán viên đã làm rồi, nhưng với người chưa làm, hay với kế toán, việc nhặt báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho khớp số thôi cũng đã là ác mộng không thể giải. Mình cũng dạy cả Luật Kế toán trong khóa học này nữa.
Vậy là đủ về lý thuyết kế toán cho các bạn rồi.
Lưu ý: Khóa học này không dạy về lập báo cáo tài chính hợp nhất. Bởi vì, phần đó làm chuẩn thì rất khó. Mình thấy nhiều Manager vẫn tranh cãi với nhau lập làm sao cho đúng. Và hàng năm, Manager vẫn phải đi học cách lập báo cáo tài chính hợp nhất trong các trường hợp khó từ các chuyên gia. Chỉ riêng khóa học đó thôi cũng có giá gấp 5-10 lần khóa học này rồi.
Còn đối với mình, mình thấy quan trọng nhất vẫn là xác định xem công ty có sai phạm gì không. Chứ việc lập báo cáo hợp nhất chỉ là cộng số thôi. Nên mình không xem trọng nó lắm. Mình vẫn có thể phân tích báo cáo tài chính hợp nhất, để tìm ra các vấn đề, đó mới là điều quan trọng. Còn bạn nào muốn học sâu về hợp nhất, thì chỉ nên học khi đã là trưởng nhóm kiểm toán, được tự tay làm dựa trên báo cáo mẫu rồi, thì sẽ thấy dễ hiểu hơn. Còn khóa học này của mình chỉ nói qua những điểm cơ bản về hợp nhất, để các bạn có thể vượt qua các bài kiểm tra đầu vào khi xin việc kiểm toán thôi.