Kiểm toán kiểm tra thông tin gì trên hồ sơ, tài liệu để phát hiện gian lận?
Vấn đề:
Đa số kiểm toán viên chỉ biết kiểm tra hồ sơ theo kiểu có đầy đủ hóa đơn, hợp đồng, biên bản bàn giao, nghiệm thu, chứng từ thanh toán, và có đầy đủ chữ ký là được. Cùng lắm là xem cái ngày trên biên bản bàn giao để xem có đúng kỳ không. Nhưng, người ta hoàn toàn có thể mua hóa đơn mà. Kể cả có chứng từ thanh toán qua ngân hàng, thì người ta vẫn có thể tạo ra các giao dịch khác để chuyển lại tiền cho bên kia, hoặc 1 bên trung gian liên quan đến bên đó. Hoặc, người ta có thể thông đồng với nhà cung cấp để đẩy giá ăn hoa hồng. Thì làm như trên sao có thể phát hiện ra. Và đó chỉ là 2 ví dụ về gian lận thôi. Nếu bạn thậm chí không biết họ có thể gian lận những gì, thì sao có thể phát hiện ra gian lận? Và, sau nhiều năm làm kiểm toán, đa số kiểm toán viên chỉ biết phát hiện được các sai sót về tính đúng kỳ và tính phân loại!
Giải pháp:
Về việc kiểm tra thông tin gì: Tất cả các nội dung trên hồ sơ đều sẽ để lại dấu vết. Nếu xâu chuỗi các vấn đề lại với nhau, và đánh giá nó có hợp lý với hoạt động kinh doanh không, cũng như có theo giá thị trường không, thì bạn sẽ phát hiện ra gian lận. Bạn có thể tham khảo ở khóa Thực hành kiểm toán, trong video Kiểm tra cái gì, như thế nào, và khóa Excel trong kiểm toán (Cao thủ), trong video Phân tích tiền có thật không, giao dịch có bất thường không. Ở đó, mình đã hướng dẫn chi tiết kiểm tra từng nội dung gì, có phát hiện ra gian lận gì trong thực tế. Ví dụ như hóa đơn mua của nhà cung cấp được đẩy giá lên để ăn hoa hồng; nhân viên kinh doanh thông đồng với người mua để biển thủ tiền doanh thu của hợp đồng; doanh thu không có thật, kết hợp với chi phí không có thật, và dùng hóa đơn đó để vay ngân hàng, thậm chí còn dùng tiền vay sau trả cho tiền vay trước,…
Đó là các gian lận. Còn các sai sót kế toán thì vô biên, mà mình đã ví dụ chi tiết ở các video trong từng phần hành. Kể cả các vấn đề về thuế, luật, thẩm định giá.
Đây là kiến thức nền tảng đầu tiên về thực tiễn mà kiểm toán viên phải biết. Nếu không thì bạn kiểm tra mẫu nào, kiểm tra bao nhiêu mẫu, hay thậm chí không kiểm tra gì, thì kết quả cũng thế!
Tuy nhiên, việc này mới chỉ phát hiện được vấn đề trên mẫu bạn chọn kiểm tra. Nếu bạn đã không chọn đúng vào mẫu có vấn đề, thì các hiểu biết trên là vô dụng. Cách giải quyết là bạn phải tích lũy dần dần các gian lận, sai sót phát hiện trong quá trình kiểm toán, rồi từ đó suy ngược ra chúng có đặc điểm gì chung để ta phát hiện, cuối cùng mới là thủ tục để kiểm tra nó.
Chỉ có điều, các ông ty kiểm toán sẽ không dạy bạn việc này. Mình từng đề xuất để các nhân viên trong công ty kiểm toán tổng hợp lại các sai phạm họ đã phát hiện ra, và cách họ phát hiện ra nó, để tạo ra 1 thư viện rủi ro và thủ tục kiểm toán. Như vậy thì các nhân viên cấp dưới thiếu kinh nghiệm sẽ dễ dàng hoàn thành công việc hơn. Nhưng, chẳng có ai nghe theo cả. Nguyên nhân tiêu cực thì mình không nói. Còn nguyên nhân hợp lý thì có 2 lý do sau:
1 là làm vậy thì nhân viên sẽ nhanh chóng nghỉ việc trong vài tháng đến vài năm. Họ đã học được thứ họ muốn, thì cần gì tiếp tục “việc nặng, lương bèo” nữa?
2 là để dạy hết những vấn đề này mất rất nhiều thời gian. Nếu bạn đã có cơ duyên được xem Partner yêu nghề kiểm tra chi tiết hồ sơ, thì bạn sẽ học được rất nhiều thứ đấy. Với những người đam mê, nhiệt huyết, và dày dặn kinh nghiệm như vậy, thì họ sẽ có cả 1 kho tàng khổng lồ những tình huống thực tế phát hiện ra sai sót, gian lận. Nhưng để dạy cho bạn, kể cả dành 1 lòng dốc hết vốn liếng ra dạy bạn, thì cũng cần rất nhiều thời gian để nhớ lại, tổng hợp, trình bày. Việc đó sẽ mất nhiều ngày, nhiều tháng, thậm chí cả năm! Và làm xong thì họ lại sợ điều 1!
Đó là lý do mà nhiều kiểm toán viên sau khi rời nghề cảm thấy không học được gì mấy. Và gây nên phong trào review công ty kiểm toán mấy năm gần đây.
Còn những người ở lại thì thường tự huyễn hoặc bản thân rằng việc phát hiện các gian lận trên là việc của kiểm toán nội bộ, công ty tư vấn, thanh tra Nhà nước, hoặc các cơ quan ban ngành khác, chứ không phải kiểm toán báo cáo tài chính. Để hiểu rõ điều này, các bạn phải đọc kỹ chuẩn mực kiểm toán, mà mình đã có video về các chuẩn mực đó. Tổng quan là tất cả các vấn đề gian lận này đều được quy định rõ ràng trong chuẩn mực kiểm toán, chúng đều ành hưởng đến báo cáo tài chính. Còn trọng yếu hay không thì bạn phải biết gian lận như thế nào, thì mới biết có trọng yếu không. Và nên nhớ, trọng yếu là vấn đề được quyết định bởi người sử dụng thông tin. Kiểm toán viên chỉ tạm thay mặt họ ước tính mức trọng yếu thôi. Hãy thử hỏi thẳng họ xem vấn đề nào, với mức nào là trọng yếu với họ. Họ bảo vấn đề này không trọng yếu, thì có thể trọng yếu với người khác. Nhưng nếu họ bảo vấn đề này là trọng yếu, thì chắc chắn nó là trọng yếu, kiểm toán viên phải thực hiện các thủ tục để đảm bảo. Và nhớ là trọng yếu còn mang tính định tính, chứ không chỉ định lượng. Bản thân việc có gian lận đã là trọng yếu với đa số người sử dụng rồi.
1 biện minh nữa là: kiểm toán có thể phát hiện ra những vấn đề này, nhưng làm vậy sẽ mất khách hàng. Tâm lý này xuất phát từ việc họ không thực sự hiểu cách làm giàu chân chính. Về cơ bản, “khách hàng” mà họ nói chỉ là kế toán, giám đốc của công ty, là người mà họ thường xuyên tiếp xúc trực tiếp, cũng là người thường có hành vi gian lận. Còn khách hàng thực sự của kiểm toán là các chủ sở hữu của công ty, là người quyết định có chọn bạn làm đơn vị kiểm toán không. Khách hàng thực sự này rất cần biết báo cáo tài chính có gian lận gì không. Nhưng họ thường ít có cơ hội tiếp xúc với kiểm toán, nên kiểm toán vẫn nghĩ kế toán, giám đốc mới là khách hàng cần phải làm hài lòng.
Kể cả có gian lận ở cấp độ thành viên cao cấp nhất trong hội đồng chủ sở hữu, thì việc kiểm toán bỏ qua các vấn đề này để giữ khách hàng cũng là do họ không thực sự hiểu cách làm giàu chân chính, càng không thấu hiểu nhân quả trong mọi hành động của mình. Đa số những người khác, trong các ngành nghề khác cũng vậy. Vì thế mà người nông dân sẵn sàng đầu độc đồng bào; doanh nghiệp sẵn sàng hủy hoại môi trường; quan chức sẵn sàng ăn hối lộ, ủng hộ ác bá, chèn ép lương dân… Và tất cả chúng ta phải sống trong 1 xã hội đầy rẫy những điều xấu. Nhưng ai cũng nghĩ là do người khác, không phải do mình!
1 vài chia sẻ để các bạn hiểu hơn về nhân quả và đạo lý trong đời sống. Mọi điều tốt hay xấu xảy ra với bạn đều phần lớn xuất phát từ chính bản thân bạn. Hãy rèn luyện bản thân để trở nên tốt hơn, đừng đổ lỗi cho người khác. Và hãy hiểu những điều người khác làm cũng có thể có lý do hợp lý của nó. Với kiểm toán viên, bạn có thể không học được những tinh túy nhất trong thời gian làm việc, vì công ty kiểm toán và người tiền nhiệm có những rào cản của họ.
Còn mình thì không có những rào cản này 🙂 Mình đủ tự tin để chia sẻ hàng chục video và bài viết hấp dẫn miễn phí, mà không sợ mất nghề!