Đây không phải khóa học riêng, mà chiều theo nguyện vọng của 1 số bạn muốn học riêng khóa thực hành kiểm toán theo năm thực tập, năm 1 và năm 2 trước, thêm cả phần kiểm kê nữa. Nên mình tách thành khóa nhỏ này.
Các video trong khóa học
Khóa học này có tổng cộng 29 video, với dung lượng 10,2 GB, cùng với 1 tổng hợp kiểm toán phần hành lương, bảo hiểm, thuế thu nhập cá nhân để các bạn xem lại sau khi học xong các video tương ứng. Giá 1.500k.
Vốn dĩ mình chỉ định viết những nội dung hấp dẫn nhất của kiểm toán ở khóa chính. Nhưng nhiều người có thể hiểu lầm nội dung khóa nhỏ này không có gì hay. Vậy nên, mình sẽ viết 1 số nội dung “đơn giản” bên dưới, xem các bạn có thực hiện được khi làm kiểm toán không nhé.
Câu đố ngày kiểm kê
Nhân ngày kiểm kê hàng năm, mình chia sẻ cho các bạn 1 câu đố trong ngày này nhé:
Làm sao để phát hiện ra đơn vị giấu doanh thu trong ngày này?
Đây không phải là doanh thu ghi nhận sai kỳ nhé, mà hoàn toàn không hề ghi nhận trên sổ sách. Và cũng không phải là kiểm kê thấy thành phẩm, hàng hóa bị thiếu so với sổ sách đâu. Vì nó quá đơn giản, ai chẳng biết.
Ví dụ thực tế như sau. Có 1 chi nhánh sản xuất muối ở vùng biển (văn phòng mẹ ở Hà Nội). Hàng tồn kho chủ yếu là muối thành phẩm, hoặc muối thô. Chi nhánh có 6 bãi khai thác muối. Mỗi bãi có nhà kho ở bên cạnh.
Vì đây là hàng mà người dân hoặc hộ sản xuất (không phải công ty) có nhu cầu. Họ không cần hóa đơn nên có rủi ro bán cho họ mà không xuất hóa đơn, ghi nhận doanh thu. (Tức CN biển thủ, giấu khoản thu không nộp về cho VP, hoặc nhân viên ở bãi giấu CN).
Mình phỏng vấn Giám đốc Chi nhánh xem cách họ kiểm soát rủi ro này như thế nào. Anh ý bảo là với các bãi ở gần văn phòng CN thì bên văn phòng CN thường xuyên ra kiểm tra. Có thể áng chừng được lượng muối sản xuất được hàng ngày, hàng tháng. Cũng như ngăn ngừa việc bán chui. Còn với các bãi ở xa thì chỉ có thể dựa trên số liệu báo cáo của họ. Rồi phân tích so sánh với các bãi gần văn phòng xem có gì bất thường không. Nếu có thì sẽ cử người xuống kiểm tra.
Mình thấy vậy cũng tạm được rồi. Với các công ty khác, ta có thể xem số nguyên vật liệu tiêu hao thực tế với định mức. Nếu vượt quá thì có rủi ro này, cần phải tìm hiểu rõ nguyên nhân. Nhưng với muối, nó được sản xuất ra từ nước biển, từ nắng gió, từ thiên nhiên. Chẳng cần nguyên vật liệu gì cả.
Mà sản xuất muối này lại không ổn định, đều đều đâu. Phụ thuộc rất nhiều vào nắng, mưa. Mưa 1 cái là mất, nắng không đủ độ cũng không được. Nên rất khó kiểm soát số muối sản xuất được các tháng, các năm.
Cho nên, nếu như tất cả công nhân tại bãi muối ở xa thông đồng với nhau bán chui thì đành chịu thôi. Kiểm soát của Giám đốc Chi nhánh chỉ có thể đến mức như vậy. Nhưng còn 1 rủi ro ở đây, đó là bộ phận văn phòng ở chi nhánh gian lận, bán chui mà không báo cáo lợi nhuận cho công ty mẹ. Đây là thứ ta cần giải quyết. Chứ đâu thể hỏi bản thân anh Giám đốc Chi nhánh được.
Các bạn nghĩ là: nếu kế toán đã ghi nhận đúng số lượng nhập mà các bãi sản xuất báo cáo rồi, giờ kế toán, thủ kho, Giám đốc có bán chui thì chắc chắn kiểm kê phải thấy thiếu chứ. Nhưng nó không đơn giản như vậy đâu. Bởi vì kiểm kê muối phức tạp lắm.
1 là muối có độ hao hụt do độ ẩm. Lúc mới sản xuất là muối ướt. Đây là số liệu báo cáo của bộ phận sản xuất. Giờ để ở trong kho 1 thời gian sẽ bị mất nước đi, làm giảm khối lượng. Mà giảm chính xác bao nhiêu thì chịu. Họ chỉ có thể đưa ra 1 con số 5% hay 10% thôi. Con số này được công ty mẹ chấp thuận thì ok. Mình chỉ muốn nói rằng đây chỉ là 1 con số ước tính tương đối. Lúc nắng thì hao nhiều, lúc ẩm thì hao ít. Giả sử thực tế chỉ hao hụt 7%, thì họ hoàn toàn có thể đem bán chui 3% để thành ra hao hụt 10% rồi.
Nguyên nhân thứ 2 nữa là việc kiểm kê muối cũng chỉ tương đối được thôi. Với muối thô chưa đóng thành bao thì họ chất đống trong kho. Không thể cân được cả mấy trăm tấn 1 kho. Mà họ dùng phương pháp ước lượng. Đo thể tích rồi nhân với khối lượng riêng. Mà thể tích đâu phải dễ đo. Vì bãi muối chỗ cao chỗ thấp, có ra hình khối đâu. Họ chỉ có thể ước lượng bằng cách đo chiều dài, chiều rộng, chiều cao của từng bãi nhỏ. Rồi coi từng bãi nhỏ là 1 hình khối chữ nhật để ước lượng thể tích. Tính tổng lại các bãi, so với số sổ sách thấy lệch ở mức chấp nhận được thì lấy số liệu sổ sách làm kết quả kiểm kê. Chứ có biết chính xác con số thực tế kiểm kê là bao nhiêu được đâu mà ghi. Nhiều khi kiểm kê thấy lệch lớn thì đo lại đến khi gần khớp số trên sổ sách thì thôi.
Kể cả với muối đã được đóng thành bao 40-50kg, thì kiểm kê cũng rất khó. Các bao muối được chất đống trong kho. Không dễ để đếm ra số chính xác có bao nhiêu bao muối. Mà cũng chỉ ước tính bằng cách trèo lên trên, đếm 1 gian nhà chứa được chiều rộng bao nhiêu bao, chiều dài bao nhiêu bao. Rồi đếm chiều cao từng gian bao nhiêu bao. Nhưng bao 40 và 50kg khác nhau, nên việc đếm này cũng rất mất thời gian. Có thể bị nhầm 1 chút. Nhưng vẫn có thể chấp nhận được.
Chỉ là họ không theo dõi riêng muối đóng bao và chưa đóng bao trên sổ sách. Mà để hết vào 1 mã muối nguyên liệu (nó vừa là thành phẩm có thể đem bán luôn, vừa là nguyên liệu để sản xuất muối khác). Nên tổng hết các số liệu trên vào, rồi so với số sổ sách. Lại còn con số hao hụt 10% chỉ là tương đối nữa. Chênh lệch trong khoảng mức này thì sẽ lấy số liệu sổ sách là kết quả kiểm kê. Việc kiểm kê này đã được công ty kiểm toán chấp nhận từ nhiều năm trước nên cũng kệ thôi.
Mình chỉ muốn nói là, tổng lại 3 lần tương đối trên, sẽ tạo ra 1 lỗ hổng rất lớn để bộ phận văn phòng Chi nhánh có thể thông đồng bán chui mà không báo cho công ty mẹ. Như là hao hụt thực tế chỉ có 7% chứ không phải 10%. Kiểm kê ước lượng bị sai lệch 7% nữa. Vậy là họ có 10% để bán chui mà ta không biết rồi. Vậy thì phải làm sao để giảm thiểu rủi ro này?
Các bạn hãy thử nghĩ cách cho câu đố này xem. Hoặc ít nhất cũng nên xem bài viết này của mình là 1 chia sẻ thực tế cho các bạn. Đi kiểm kê không chỉ xem số liệu có khớp không đâu. Mà cần thu thập rất nhiều thông tin thực địa mà nhóm kiểm toán làm ở văn phòng không có cơ hội thu thập.
Các bạn có thể xem nội dung này ở video 20.2 Các phát hiện thực tế trong quá trình kiểm kê.
Kiểm toán TSCĐ có dễ? 10' là xong?
Ở các bài viết trước, mình đã chia sẻ về những vấn đề hấp dẫn nhất của kiểm toán. Nhưng có lẽ nó cao siêu quá, nhiều người không hiểu được hết. Vậy nên mình sẽ viết 1 số bài về những vấn đề “đơn giản” hơn, nhưng không phải ai cũng làm chuẩn đâu, kể cả những người có nhiều năm kinh nghiệm. Bạn hãy thử xem file kiểm toán ở công ty bạn làm có động đến những phần này không nhé.
Phần đầu tiên là tài sản cố định (TSCĐ). Đây là phần hành mà mọi người, kể cả các kiểm toán viên (KTV) lâu năm cũng đánh giá là dễ và ít rủi ro. Họ thường bảo chỉ cần 10’ là làm xong phần này. Tuy nhiên, khi bạn đạt đến tầm hiểu biết của 1 người chủ, thì bạn sẽ thấy tài sản là 1 trong số những linh hồn của Công ty. Bởi vai trò quan trọng đó của tài sản, mà có rất nhiều vấn đề, rủi ro trọng yếu ở phần hành này mà người thường hay bỏ qua. Mình sẽ nói phần nâng cao đó ở nửa cuối bài viết nhé. Còn bây giờ là phần cơ bản mà các KTV thường làm.
A. Các thủ tục mà KTV, công ty kiểm toán thường làm:
1, Đối chiếu báo cáo tài chỉnh (BCTC) – cân đối phát sinh – sổ cái – bảng khấu hao.
Đối chiếu tất cả các chỉ tiêu, như nguyên giá, hao mòn lũy kế đầu kỳ, cuối kỳ, tăng giảm trong kỳ, chi phí khấu hao tăng giảm trong kỳ.
2, Tính lại khấu hao.
Ta chỉ cần tính số ngày khấu hao trong năm, Rồi tính số phân bổ trong kỳ = nguyên giá / tổng số ngày sử dụng ước tính x số ngày khấu hao trong kỳ. Rồi so sánh với số khấu hao trong kỳ của kế toán xem chênh lệch nhiều không, nguyên nhân chênh lệch là gì, có hợp lý không.
Tiếp theo, xem từng tài sản được sử dụng cho mục đích gì, để tổng hợp lại chi phí khấu hao theo từng loại tài khoản chi phí (627, 641, 642…).
Tiếp đến là kiểm tra khung khấu hao theo thông tư 45 (là TT hướng dẫn chế độ quản lý TSCĐ của Bộ Tài chính). Ta sẽ xem từng loại tài sản là gì, tương ứng trong phần nào của TT45, và điền khung khấu hao vào, so sánh với thời gian khấu hao của kế toán.
3, Thuyết minh liên quan đến TSCĐ.
Ta dựa trên bảng khấu hao để lấy các thông số sau: nguyên giá đầu kỳ, tăng giảm trong kỳ, cuối kỳ; khấu hao lũy kế đầu kỳ, khấu hao tăng, giảm trong kỳ, khấu hao lũy kế cuối kỳ; giá trị còn lại (GTCL) đầu kỳ và cuối kỳ. Các nội dung trên cần nhặt chi tiết theo từng loại tài sản: Nhà xưởng vật kiến trúc, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, thiết bị văn phòng… Ngoài ra, còn 1 số nội dung cần thuyết minh, mà KTV thường làm như: nguyên giá TSCĐ đã hết khấu hao nhưng vẫn còn sử dụng, và giá trị còn lại của TSCĐ đem cầm cố, thế chấp.
4, Kiểm tra hồ sơ (TOD).
Ở phần TOD tăng này, hồ sơ sẽ có hóa đơn, hợp đồng, biên bản bàn giao nghiệm thu, chứng từ thanh toán và các chứng từ khác như đăng ký, đăng kiểm xe… Lưu ý của phần TOD tăng này, là phải xem công ty đã tập hơp đủ các chi phí để đưa tài sản về trạng thái sẵn sàng sử dụng chưa, ví dụ như mua xe thì sẽ có lệ phí trước bạ, kiểm định… để tính vào nguyên giá. Rồi ta sẽ đối chiếu nguyên giá của các tài sản đã TOD với nguyên giá trên bảng khấu hao. Cũng xem cả ngày trên biên bản bàn giao đưa vào sử dụng có khớp với ngày bắt đầu khấu hao không. Với chi phí lãi vay được vốn hóa vào tài sản, và chi phí cải tạo, nâng cấp ghi tăng nguyên giá, ta cần xem có thỏa mãn các điều kiện của chuẩn mực kế toán không.
Đền phần TOD giảm. Lưu ý là tài sản giảm phải có phê duyệt của người có thẩm quyền, không chỉ về việc xem có đồng ý thanh lý không, mà còn có thể xem cả giá trị thanh lý có hợp lý không. Nếu đã đúng thầm quyền rồi, thì ta xem GTCL của tài sản trên bảng khấu hao lúc đó có khớp với số hạch toán không? Vì GTCL này sẽ ghi nhận vào chi phí khác. Hồ sơ tiếp theo là hóa đơn, hợp đồng, biên bản bàn giao với người mua.
5, Kiểm kê.
KTV thường chỉ là chọn mẫu kiểm kê TSCĐ xem có không thôi. Còn đúng ra kiểm kê phải xem những gì, thì bạn xem video kiểm kê nhé.
=> Tóm lại, ở nội dung cơ bản này, bạn chỉ cần cho số liệu vào file mẫu có sẵn, rồi kiểm tra chứng từ thì thường là có chứng từ gì thì ghi chú vào, chứ chưa biết đánh giá chứng từ, rủi ro. Nếu chỉ làm mỗi vậy thì người ta hay đánh giá làm TSCĐ dễ là đúng rồi, chỉ cần 5-10’ là xong.
Nhưng thực ra, có rất nhiều vấn đề mà các thủ tục trên chưa động đến, mà phải có kiến thức kiểm toán rất sâu mới nhận ra.
B. Nâng cao.
1, Tính nhất quán.
Ở trên, ta mới tính lại số khấu hao trong kỳ. Thế điều gì chứng mình là khấu hao năm nay vẫn như năm ngoái. Giả sử 1 tài sản năm trước khấu hao 1 tỷ, nhưng năm nay làm ăn không hiệu quả, giám đốc muốn khấu hao 500tr thôi, thì kế toán chỉ cần chỉnh lại số năm khấu hao trên bảng khấu hao bằng 2 lần năm trước là được. Như vậy thì thủ tục ở đây chưa phát hiện ra gian lận đó.
Cách làm nâng cao thì cũng khá đơn giản, ta chỉ cần tính lại số khấu hao lũy kế (KHLK) đầu kỳ. Nếu công ty thay đối số năm khấu hao giữa các năm, thì chắc chắn là KHLK đầu kỳ mình tính lại dựa trên bảng khấu hao năm nay sẽ bị lệch với số trên bảng của kế toán. Công thức tính thì ta cũng chỉ cần tính số ngày đã khấu hao = ngày đầu kỳ năm nay – ngày tăng tài sản. Rồi nhân (x) với giá trị khấu hao 1 ngày là xong. Rất dễ nhé, quan trọng là cách tư duy nhìn nhận vấn đề của bạn. Thực ra so số KHLK đầu kỳ này vẫn chưa đảm bảo tính nhất quán đâu nhé. Tí nữa đến phần Cao thủ mình sẽ nói, còn giờ các bạn cứ thử nghĩ xem làm nâng cao như vậy còn thiếu sót gì mà vẫn có thể gian lận để lách số khấu hao không nhất quán được nhé.
2, Thuyết minh thiếu.
Cái này là do không chịu học chuẩn mực, mà cứ làm theo form mẫu, theo báo cáo của người làm năm trước. 2 nội dung thuyết minh quan trọng mà rất hay bị bỏ qua đó là: Giá trị còn lại của TSCĐ hữu hình tạm thời không được sử dụng, và giá trị còn lại của TSCĐ hữu hình đang chờ thanh lý.
3, Phân loại.
1 là phân loại TSCĐ với 242. Giá trị tài sản >= 30tr mới được coi là TSCĐ (theo TT45). Cái này rất hay gặp với công ty may mặc, khi mà các tài sản là máy may của họ là tài sản riêng biệt, có giá trị < 30tr nhưng thường được cho vào TSCĐ. Mình từng kiểm toán 1 công ty may mà phải ý kiến phân loại lại này chiểm đến 70% TSCĐ của họ. Tuy nhiên, mình thấy quy định này quá mang tình hình thức, mà không đi vào bản chất của vấn đề. Bởi vì theo mình biết, như nước Anh chẳng hạn, hạn mức này của họ chỉ có tương đương 10tr VNĐ thôi. Còn bản chất của vấn để ở đây là, các máy may đó là máy móc của công ty, nó chiểm phần lớn TSCĐ của công ty, là công cụ chủ yếu để tạo ra sản phẩm, thì phải để vào TSCĐ mới đúng. Cái khác giữa TSCĐ và CCDC ở đây là, để trên TSCĐ thì khi hết khấu hao, người ta vẫn biết là DN có tài sản đó (vì trên BCTC vẫn có dòng nguyên giá TSCĐ), còn để trên 242 thì khi phân bỏ hết là mất hút trên BCTC luôn, kể cả trên bảng phân bổ 242 cũng không còn. Cho nên, theo mình, việc phân loại TSCĐ và 242 này vẫn phải theo bản chất nhé. Còn quy định hiện hành thì vẫn cho vào 242, không biết sau này có sửa không.
Đến phần phân loại thứ 2 là giữa TSCĐ với chi phí. Cái này đặc biệt quan trọng với TSCĐ vô hình . Đây mới là phần để người ta gian lận này. Nhưng nhiều bạn không thạo chuẩn mực kế toán thì sẽ thấy rất khó ở phần này. Thậm chí, nhiều công ty kiểm toán còn lờ đi cho qua, hay giúp khách hàng sửa lại nội dung sổ sách cho hợp lý. Vì như mình đã nói, KTV thường chỉ xem hồ sơ theo kiểu có là được, chứ có động đến những vấn đề gian lận đâu, kể cả giá trị có hợp lý hay không cũng không xem mà.
Lý thuyết sẽ rất dài, nên mình trích dẫn ra luôn 1 phần trong ý kiến kiểm toán thực tế cho các bạn dễ xem. Ta sẽ xem các quy định của chuẩn mực kế toán số 04 TSCĐ vô hình nhé:
– Để thỏa mãn là TSCĐ vô hình cần xem xét 3 yếu tố, trong đó có phần quan trong là: Tính có thể xác định được. (VD như dự án launcher thì chỉ có phần ứng dụng app được coi là TSCĐ VH, Ngoài ra, KTV cũng cần kiểm kê để xác định tính có thể xác định được này). Tức là phần mềm, app của công ty đâu, cho tôi xem.
– Nguyên giá TSCĐ vô hình gồm giá mua, thuế không được hoàn lại và chi phí liên quan trực tiếp đến việc đưa TS vào sử dụng. (Ý này dùng để chứng minh chi phí quảng cáo, tiếp khách… không liên quan trực tiếp nên không thoản mãn điều kiện của TSCĐ VH. Ta cần vận dụng kết hợp tính có thể xác định được. VD: dự án Launcher chỉ có cái app là cái xác định được, thì chí có CP trực tiếp để tạo nên cái app đó mới được ghi vào TSCĐ VH.)
– Lợi thế thương mại được tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp không được ghi nhận là tài sản vì nó không phải là nguồn lực có thể xác định, không đánh giá được một cách đáng tin cậy và doanh nghiệp không kiểm soát được. (Dùng để chứng minh các chi phí quảng cáo có tạo ra lợi ích kinh tế trong tương lai, nhưng là lợi thể thương mại từ nội bộ DN nên không được ghi là tài sản.)
– Các chi phí sau đây không được tính vào nguyên giá TSCĐ vô hình được tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp:
(c) Chi phí đào tạo nhân viên để vận hành tài sản.
(Để chứng minh các CP hướng dẫn sử dụng ở dự án NEXT không thỏa mãn là TSCĐ VH.)
– Chi phí phát sinh đem lại lợi ích kinh tế trong tương lai cho doanh nghiệp gồm chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tạo nhân viên và chi phí quảng cáo phát sinh trong giai đoạn trước hoạt động của doanh nghiệp mới thành lập, chi phí cho giai đoạn nghiên cứu, chi phí chuyển dịch địa điểm được ghi nhận là chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ hoặc được phân bổ dần vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong thời gian tối đa không quá 3 năm.
(Để chứng minh chi phí trước thành lập DN cũng không thỏa mãn điều kiện của TSCĐ VH, mà phải là 242.)
4, Các vấn đề về thuế.
Ở đây mình đã lưu ý các bạn về giá trị thanh lý, và khung khấu hao theo TT45. Ngoài ra, còn các vấn đề gì khác thì các bạn xem khóa thuế nhé. Phần thuế có rất nhiều nội dung hay, có giá trị thực tiễn lớn cho bạn sau này khi rời khỏi công ty kiểm toán. Chỉ tiếc là ở công ty kiểm toán, bạn sẽ không được động nhiều đến phần thuế đâu. Vì với họ, đấy không phải là vấn đề trọng yếu. DN cần tư vấn thuế thì phải tự thuê dịch vụ riêng, chứ gói kiểm toán là không bao gồm. Còn với bạn, các thủ tục ở công ty kiểm toán đơn giản vậy mà còn khiến nhiều người cày đêm cày hôm làm không xong, thì còn tâm tư đâu mà xem đến thuế @@.
5, Các vấn đề về pháp luật.
Gồm luật đất đai, xây dựng, đầu tư, đấu thầu… thì xem khóa luật nhé. Cái này cực kỳ quan trọng đấy, không phải bạn kiểm tra hồ sơ của TSCĐ có mỗi hóa đơn, hợp đồng, biên bản bàn giao nghiệm thu là xong đâu. Mà còn rất nhiều hồ sơ pháp lý nữa. Ở khóa lý thuyết kiểm toán, ta đã học về việc tuân thủ các quy định pháp luật: nếu ảnh hưởng của việc không tuân thủ là trọng yếu thì KTV phải thu thập bằng chứng để đánh giá. Chứ không phải bảo tôi là KTV, phần luật không phải chuyên môn của tôi nên tôi không cần quan tâm. Chuẩn mực quy định bạn không biết thì bạn phải thuê chuyên gia luật đánh giá. Còn theo mình là KTV nên biết, thì mới nâng cao giá trị bản thân được.
Ở phần TSCĐ này, và ở nước Việt Nam này, rất hay bị vấn đề về đất đai, xây dựng, và cả tiền thuê đất nữa. Các vấn đề này từ lúc thực tập, mình đã cảnh báo rất nhiều người trong công ty rồi mà không ai nghe. Đến năm 2017, rất nhiều công ty bị chính quyền sờ đến, phạt truy thu tiền thuê đất, xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai, có thể lên đến cả trăm tỷ. Công ty mình phát hiện ra khi xem sổ theo dõi công văn đến của khách hàng, thấy có công văn của cơ quan thuế thì mới ra. Giám đốc bên họ bảo là KTV chỉ phát hiện ra những vấn đề khi sự đã rồi, có cơ quan khác ý kiến thì còn ý nghĩa kiểm toán gì. Khách hàng này mình không đi mà chỉ được nghe kể lại thôi. Nhưng mình hoàn toàn đồng ý với vị giám đốc này. Bởi lẽ, nếu bạn là KTV có năng lực, làm theo đúng chuẩn mực kiểm toán, thì các vi phạm trong lĩnh vực đất đai này đã phải được phát hiện từ khi bắt đầu rồi. Chứ chỉ phát hiện ra do có cơ quan khác điều tra ra, thì đấy không gọi là kiểm toán nữa.
Đến thời điểm năm 2022 này, vẫn còn rất nhiều vụ nhé. Các vụ nổi lên gần đây của các đại gia bất động sản như là FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát… Dù cho ban đầu họ bị bắt về tội thao túng chứng khoán, sai phạm trong việc phát hành trái phiếu…, nhưng đấy chỉ là cái cớ để khởi tố thôi. Từ đó, cơ quan có thẩm quyền mới được thu thập trực tiếp tài liệu liên quan để mở rộng vụ án. Liệu có sai phạm gì về đất đai, hay thậm chí rửa tiền hay không (vì trong những năm đầu thành lập, tự dưng họ có 1 khoản tiền rất lớn để đầu tư bất động sản)… thì cứ chờ cơ quan chức năng nhé. Còn những sai phạm chính thức đã được lên báo (của các công ty khác) thì bạn có thể xem về sai phạm của các dự án chung cư trên đường Lê Văn Lương. Hàng chục dự án chung cư trên con đường ngắn tẹo, “băm nát” quy hoạch thành phố, mà đến khi xây dựng xong hết rồi, bán cho dân rồi mới thấy chính quyền vào cuộc… Những công ty vi phạm sẽ phát sinh chi phí phạt lớn, còn người dân mua nhà thì phải chịu cảnh không được cấp sổ đỏ…
Các vấn đề về đất đai nói riêng, và pháp luật nói chung, là những vấn đề rất hấp dẫn, và có giá trị thực tiễn lớn cho công việc sau này của bạn, mà bạn cần phải tự tìm tòi, nghiên cứu. Chứ ở công ty kiểm toán, bạn sẽ không được hướng dẫn đâu. Giống như phần thuế vậy. Nhưng nếu không xem đến thì thật phí quãng đời kiểm toán của bạn. Vì phải va chạm với thực tiễn, thì bạn mới biết có vấn đề gì, cần đọc cái gì, ở đâu, xử lý như thế nào. Cuộc sống kiểm toán cho bạn va chạm với hàng trăm công ty, thì bạn mới dần dần vỡ ra bài học. Chứ sau này rời công ty kiểm toán, chỉ làm cho 1 công ty, thì bạn đọc luật, thuế sẽ không thể hiểu và vận dụng được hết đâu.
6, Kiểm tra tài liệu.
Thường thì các bạn KTV chỉ biết hỏi kế toán có chứng từ gì rồi ghi chú vào giấy tờ làm việc thôi, chứ không biết đánh giá có rủi ro, vấn đề gì. Phần này mình đã nói ở video kiểm tra cái gì, như thế nào trong khóa Thực hành kiểm toán. Còn ở phần TSCĐ này, mình sẽ ví dụ cho các bạn 1 vấn đề đơn giản thôi. Mình sẽ cho 1 ví dụ khi kiểm tra hồ sơ tăng tài sản, mà lại có thể phát hiện ra được có tài sản khác cần ghi giảm (hay cần ghi nhận CP nhé). Mình sẽ đọc qua tổng hợp ý kiến;
Theo quyết toán năm 2017 với Công ty H, Công ty có thực hiện xây nhà để rác với giá trị 76.894.921 đồng. Theo quyết toán năm 2017 với Công ty Xây dựng, Công ty lại phá dỡ đi với Chi phí 72.727.273 đồng; cũng trong quyết toán này, Công ty có phần vật tư đã sản xuất theo thiết kế nhưng không thi công với giá trị 166.985.482 đồng, phần vật tư này hiện đang để ở trong kho. Công ty đang theo dõi các khoản chi phí trên vào chi phí Chi phí xây dựng cơ bản dở dang.
Chú thích: lúc kiểm tra hồ sơ thì không chỉ nhìn vào số tiền trên hóa đơn, nghiệm thu khớp với số hạch toán là xong nhé. Mà phải đọc chi tiết nghiệm thu như thế nào thì mới ra được vấn đề. Ở trên, quyết toán có giá trị cả tỷ đồng, trong đó có 2 hạng mục nhỏ như mình nói. Phần nhà rác xây rồi phá (vì sau này họ thấy không cần nữa) thì giá trị xây và phá đó không được tính vào nguyên giá TSCĐ, mà phải ghi nhận vào chi phí. Còn phần vật tư, mình đọc nội dung thấy lạ, vì quyết toán phải theo hạng mục công trình, như nhà xưởng, nhà kho, chứ sao lại có vật tư (vật tư chỉ có trong phần chi tiết của từng hạng mục thôi, chứ không lên quyết toán tổng được). Hỏi ra thì mới biết là thiết kế ban đầu là có, sau này sửa thiết kế, nhưng bên kia đã sản xuất ra rồi, thì bên này vẫn phải thanh toán. Phần vật tư đó vẫn ở trong kho, nên không được tính vào nguyên giá TSCĐ, mà phải ghi vào hàng tồn kho.
C. Cao thủ.
Giờ ta chuyển sang phần dành cho cao thủ nhé. Ở tầm này, các bạn cần phải xét đoán xem có rủi ro, gian lận gì. Bình thường thì người ta chỉ nghĩ đến rủi ro kiểm kê không có. Cái này thực sự là trẻ con! Và KTV chỉ kiểm kê xem tài sản có hay không thôi, như vậy là hoàn toàn sai. Các bạn hãy xem video riêng về phần kiểm kê nhé.
Rủi ro lớn nhất là gian lận. Như ở trên mình đã nói về việc giấu chi phí (bằng việc cố tình phân loại sai vào TSCĐ), và sai phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng… Ngoài ra, còn có rủi ro lớn ở phần TSCĐ này, là nó có còn thuộc quyền sở hữu của công ty không (đã bán mà không hạch toán), hoặc có đang thế chấp tài sản không (mà chưa thuyết minh, hoặc 1 tài sản thế chấp nhiều nơi)? Cái này thì bạn phải xem giấy tờ đăng ký quyền sở hữu với Nhà nước, như với xe cộ là giấy đăng ký xe, với nhà cửa đất đai, chung cư là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ). Cái này phải xem bản gốc, và năm nào kiểm toán cũng phải đòi xem lại, chứ không được dùng bản scan của năm trước nhé. Vì nếu họ đã bán, hoặc thế chấp thì sẽ không thể cung cấp bản gốc cho ta xem được. Về nguyên tắc, khi vay ngân hàng mà có thế chấp tài sản, thì công ty sẽ phải đem hồ sơ gốc đưa cho ngân hàng cầm, nên sẽ không thể dùng 1 tài sản đem vay thế chấp từ nhiều ngân hàng được. Nhưng, mình đã từng kiểm toán 1 công ty, mà họ lại thông đồng với ngân hàng, hoặc lừa ngân hàng thế nào đó, mà lại dùng 1 tài sản để thế chấp, đem vay cùng 1 lúc tại 2 ngân hàng được. Cho nên, khi kiểm tra hồ sơ vay, các bạn nhớ xem phần tài sản thế chấp có bị trùng lặp không.
Phần cao thủ thứ 2, là kiểm tra tính nhất quán. Trở lại với phần nhất quán nâng cao, các bạn đã tìm ra cách nào để gian lận mà nếu tính lại số khấu hao trong kỳ và số KHLK đầu kỳ vẫn khớp chưa? Đó chính là thay đổi ngày bắt đầu khấu hao là được. Bởi lẽ, trên cân đối phát sinh, ta chỉ đối chiếu được nguyên giá, khấu hao và KHLK với bảng khấu hao, còn số năm khấu hao và ngày bắt đầu khấu hao thì không đối chiếu được. Nên chỉ cần thay đổi cả 2 chỉ tiêu này, thì khi tính lại số khấu hao trong kỳ và KHLK đầu kỳ sẽ khớp hết. Bạn có so bảng khấu hao năm nay với năm trước cũng không được. Vì có thể người ta thay đổi từ những năm trước nữa.
Cách làm ở đây chỉ có thể là phân tích. Mình phát hiện ra cách làm này, bởi vì mình từng làm 1 khách hàng có thay đổi khấu hao, mình tính lại số KHLK ĐK là ra ngay, và sếp kiểm toán của mình yêu cầu mình hoàn thiện lại bảng khấu hao sao cho tính toán lại của KTV khớp hết. Kiểm toán cũng có nhiều góc tối thế đấy bạn ạ. Mà mình thì không thích gian lận, thế là mình suy nghĩ xem gian lận như vậy thì có thể lộ ra dấu vết gì. Và vì mình chỉ thay đổi ngày bắt đầu khấu hao (còn khách hàng đã thay đổi số năm khấu hao), nên chắc chắn cái ngày khấu hao này sẽ để lại manh mối. Cụ thể là công ty thành lập theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh từ năm 2006, hợp đồng thuê đất cũng năm 2006, nhưng nếu sửa lại bảng khấu hao cho khớp, thì nhà xưởng của công ty đến năm 2009 mới tăng, và các máy móc thiết bị thì lại tăng từ năm 2007 rồi. Đó chính là sự vô lý của ngày khấu hao. Đấy chính là cách phân tích của 1 cao thủ.
Đến vấn đề thứ 3, đó là thời gian khấu hao. Mình thấy rất nhiều KTV, kể cả Partner của công ty mình, đều chỉ cần, và bắt buộc số năm khấu hao theo TT45. Cái này hoàn toàn sai nhé. Bạn xem đúng chuẩn mực kế toán số 03 TSCĐ HH và 04 TSCĐ VH thì sẽ thấy là phải theo thời gian sử dụng hữu ích của tài sản. Còn khung theo TT45 chỉ là để tham khảo thôi, chứ thông tư này là cho mục đích tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Kể cả ở Big 4, họ biết là phải theo thời gian sử dụng ước tính, chứ không phải TT45, nhưng họ cũng không biết ước tính bao nhiêu là hợp lý, nên vẫn thường dựa theo TT45 thôi.
Cái này bạn phải có tầm nhìn của 1 người chủ, người mà lúc nào cũng lo xem tài sản của mình có sinh lời được không, thì mới đánh giá thời gian sử dụng hữu ích được. Thế cho nên mình mới cố gắng mở các khóa học online này, cùng với việc chia sẻ mọi điều trong group facebook, từ các vấn đề liên quan đến nội dung bài học cho đến các lĩnh vực khác như việc thi vào kiểm toán ntn, giao tiếp ra sao, cách học ntn, cách kinh doanh ra sao, kể cả cách sống ntn, hay bất kỳ vấn đề gì các bạn hỏi mình đều có thể trả lời. Để cho các bạn có được hành trang tốt nhất trước khi đi làm kiểm toán, rồi sau này có thể làm chủ được thì tốt.
Quay lại với thời gian khấu hao này, mình sẽ cho các bạn 1 VD để thấy cách nhìn thời gian sử dụng hữu ích như thế nào nhé. Đấy là 1 công ty có nền bãi để cho các đơn vị khác thuê bãi để container.
“Tài sản chính để mang lại doanh thu của Công ty là nền bãi container với tổng nguyên giá trên sổ sách là 61 tỷ, gồm xây dựng lần đầu năm 2007 với giá trị 13 tỷ (phân bổ trong 20 năm), sửa chữa cải tạo toàn bộ lần 1 năm 2010-2011 giá trị 11 tỷ (phân bổ trong 15-17 năm), cải tạo lần 2 năm 2015-2017 với giá trị 37 tỷ (phân bổ trong 10-12 năm). Tuy nhiên, Công ty chưa đưa ra được căn cứ hợp lý cho thời gian phân bổ này. Theo tình trạng cải tạo thực tế của đơn vị, cứ trung bình 4 năm, nền bãi trước đó đã phải cải tạo lại toàn bộ. Do đó, chi phí nền bãi cần được phân bổ trong 4 năm tương ứng để phản ánh đúng chi phí sử dụng vốn vào hoạt động nền bãi (riêng đợt cải tạo năm 2015-2017 có giá trị gấp 3 lần các đợt trước nên phân bổ trong 10-12 năm còn có thể là hợp lý).
Đề nghị Công ty cung cấp cho chúng tôi các căn cứ hợp lý để giải thích việc phân bổ trong 15-20 năm của mình. Khi chưa có căn cứ hợp lý, đề nghị Công ty phân bổ trong 4 năm và ghi nhận toàn bộ giá trị còn lại của chi phí nền bãi năm 2007 và cải tạo lần 1 năm 2010-2011 vào chi phí (Tức là khoảng 14 tỷ tài sản phải chuyền thành chi phí các bạn ạ).”
Đương nhiên là người ta k đồng ý điều chỉnh rồi, họ đưa ra các lý lẽ là làm năm 2007 chưa hoàn thiện, đến 2010 tiếp tục. Và các lần cải tạo chỉ là cục bộ, không phải toàn bộ. Cải tạo là đắp thêm đá vào, chứ không bỏ toàn bộ nền trước đó. Và thời gian khấu hao 10-20 năm là theo TT45. Khấu hao 4 năm thì thuế sẽ không chấp nhận.
Mình cũng trả lời lại là đã kiểm tra đến hồ sơ, thì phần diện tích cải tạo chiếm > 80% diện tích đất mà công ty có rồi (phải xem chi tiết quyết toán, không có con số cụ thể về diện tích, mà phải tự tính, như là đổ đất mất bao nhiêu khối, có công thức dài x rộng x cao, nên lấy dài x rộng là ra diện tích). Và các lớp đá cũ vẫn còn, tuy nhiên do tác động địa chất mới làm bị hỏng, biến dạng, không thể đảm bảo hoạt động bình thường. Và quan trọng nhất là cứ khoảng 4 năm, thì lại phải bỏ ra cả chục tỷ để cải tạo, thì phải phân bổ trong 4 năm mới phản ánh đúng hiệu quả sử dụng đồng vốn cải tạo này. 1 căn cứ nữa là 1 công ty khác trong cùng tập đoàn, hoạt động từ năm 2002, trước đó khá lâu, đã có đến 5 lần cải tạo toàn bộ, và bình quân cũng chỉ 3-4 năm cải tạo 1 lần.
Đó là vấn đề cao thủ thứ 3. Cuối cùng, chỉ là 1 sai sót mà mình thấy cả kế toán lẫn KTV thường hay mắc phải, đó là kế toán thường hạch toán cả 1 cục tiền theo hóa đơn, mà không tách riêng các tài sản ra. Ví dụ, thuê xây nhà trọn gói cả nội thất, thì các phần gắn liền với tòa nhà như cửa, mái thì sẽ tình chung là nguyên giá của nhà. Còn những tài sản tách riêng ra được như điều hòa, hay nội thất thì phải tách thành tài sản riêng (do thời gian sử dụng, khấu hao là khác nhau). Mình từng kiểm toán 1 công ty, họ vẫn đang xây dựng nhà xưởng. Sắp xong rồi, nhưng kế toán theo dõi toàn bộ chi phí nhà xưởng, máy móc vào tài khoản 241 mà không chi tiết cho từng loại tài sản. Vấn đề càng lớn hơn khi công ty này sản xuất hàng không chịu thuế, nên toàn bộ thuế giá trị gia tăng đầu vào không được khấu trừ, mà tính vào giá trị tài sản. Mà kế toán lại không biết, vẫn hạch toán thuế GTGT vào tài khoản 133. Lại còn có cả chỉ phí lãi vay vốn hóa nữa. Nên không thể chỉ nhặt lại các nghiệp vụ đã hạch toán trên sổ sách để ghi nhận vào giá trị từng tài sản đâu, mà phải xem lại từng hóa đơn, chứng từ để ghi nhận lại từ đầu, tính từng phần thuế GTGT không được khấu trừ cho từng tài sản. Vậy là phải hạch toán lại toàn bộ các nghiệp vụ của cả 1 năm rồi. Không xác định được rủi ro ngay từ đầu thì sẽ phải cực khổ như thế đấy!
Đó là cách kiểm toán chuẩn chỉ của phần TSCĐ. Đọc xong bài này, liệu bạn có còn nghĩ phần TSCĐ là phần dễ, chỉ mất 10’ là làm xong không? Thậm chí, 10’ bạn có đọc xong bài này không? J Phần này mình có làm video cụ thể trên giấy tờ làm việc thực tế, hoàn toàn miễn phí. Các bạn có thể vảo xem. Vì đã có video miễn phí nên mình mới viết chi tiết như thế này. Đến các phần sau, mình sẽ chỉ nói về rủi ro thôi, chứ không nói về thủ tục để phát hiện, kiểm tra rủi ro đó nữa nhé. 🙂
Các nội dung khác
Sẽ cập nhật sau